Tại Hà Nội vào lúc 09h00 ngày 1/12/2019 Liên đoàn Yoga Việt Nam sẽ tổ chức buổi sinh hoạt hội viên dành cho các hội viên Liên đoàn Yoga Việt Nam khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra) tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là dịp lễ hội hoa Tam Giác mạch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đôi nét giới thiệu về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội)

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối đại lộ Thăng Long, nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Suối Ngọc Vua Bà, Rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…và ấp mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại; với địa hình bán sơn địa có đồi núi, có thung lũng và bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng. 

Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án. 

Theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, Khu du lịch Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Từ năm 2016, bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Tuần đại đoàn kết – di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện. Về với Làng, ngoài việc khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, bạn còn có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và những tình cảm nồng ấm của đồng bào.

Năm 2019, hoạt động điểm nhấn trong tháng 11 là Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại loài hoa Tam giác mạch” của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc thực hiện.

Tam giác mạch là loài hoa gần gũi, quen thuộc với đồng bào dân tộc vùng cao. Bằng sự kết hợp với âm nhạc, các nghệ sĩ sẽ đem đến những câu chuyện kể về loài hoa Tam giác mạch kết hợp với sắc màu văn hóa các dân tộc vùng cao.

Tại cụm Thung lũng hoa Tam giác mạch với không gian văn hóa của các dân tộc TàyNùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội) và điểm nhấn trung tâm là Thung lũng hoa Tam giác mạch. Đồng bào nơi đây có những nét văn hóa dân tộc, dân vũ đặc trưng như đàn Tính hát Then của các dân tộc Tày, Nùng, múa rùa, múa chuông của dân tộc Dao, múa khèn của dân tộc Mông và có một không gian thuận lợi để tái hiện, tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian có sự tương tác của du khách như kéo co, ném còn, đi cà kheo, bập bênh….và đặc biệt là trò chơi địu nước một trong những trò chơi rất đặc sắc trên cao nguyên đá Hà Giang.

Tại cụm cánh đồng Tổ quốc Gấm hoa, làng dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú sẽ tổ chức các hoạt động nổi bật như múa xòe của dân tộc Thái, điệu múa au eo của dân tộc Khơ Mú, nhảy sạp… cùng những món ăn ẩm thực mang những nét đặc trưng vùng miền rất riêng, đặc sắc như: Món xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua…

Tại cụm hoa Dã quỳ, các chủ thể văn hóa vùng đất Tây Nguyên sẽ diễn trình diễn sắc màu văn hóa của cộng đồng bằng các nhạc cụ truyền thống,  dân ca dân vũ, truyền dạy về nhạc cụ dân tộc, các hoạt động trò chơi dân gian và biểu diễn những tiết mục về quê hương đất nước hưởng ứng các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”.

Theo dantocmiennui.vn
Theo dantocmiennui.vn